Chương 3 : Đời hay là hai cánh cửa nhà ngục

Đám mây đen đã tản dần để nhường chỗ cho hoàng hôn sắp tới.


Trên con đường tắt từ Linh Đường sang Dịch Vọng, thoáng có bốn cái bóng người lên lủi trên đồng lúa xanh rì. Trong bốn người đó, thật ra chỉ có một là đủ tính cách để được gọi là người, vì là một thiếu phụ, trạc ngoại ba tuần; còn ba là những đứa trẻ măng sữa mà đứa lớn nhất chưa đầy bảy tuổi, gay dắt một thằng bé lên năm. Đứa thứ ba thì do thiếu phụ ẵm trong lòng, nó mới ngoài ba mươi tháng.


Thiếu phụ, cũng như ba đứa trẻ, đều bận quần áo nâu đã bạc màu. Nhưng dưới mảnh vải thô lỗ, ngấn lên những thân hình rất đều đặn, phủ bằng nước da trắng mịn.


Thiếu phụ tuy đã đứng tuổi, nhưng đôi môi đỏ thắm không khác gì một vệt son mềm mại điểm trên khuôn mặt trái xoan. Mái tóc của nàng bị gió đập mạnh, xổ ra đen nhánh và gợn lên như những làn sóng nhỏ.


Ba đứa trẻ, con thiếu phụ, đều tuấn dị hơn các trẻ thường. Nhất là đứa lên bảy thì, thoạt trông, ai cũng biết là sẽ có một tương lại oanh liệt.


Đứa bé này, hai tai rất lớn, đôi con mắt đen và sáng, lúc nào cũng óng ánh như hai vì sao, tiếp với cái miệng hơi rộng, hẳn có một cái cằm rất nở, biểu lộ khối óc cương quyết và đại lượng.




Bốn người có lẽ đi đã lâu lắm. Vì trừ đứa bé được ẵm ra thì ai nấy đều bị bùn phủ lên đến đầu gối và bước cao bước thấp, coi rất nặng nề.


Tuy không phải bận rộn về thằng bé lớn nhất nó vẫn gắng gượng bước trên bùn lầy, nhưng thiếu phụ thỉnh thoảng vẫn phải ngừng lại để dỗ dành thằng bé lên năm. Thằng này cứ khóc và nhất định ngồi bệt xuống đường, kêu đau chân quá, không thể đi được.


Đến cuối làng Dịch Vọng thì trời vừa tối và lất phất có mấy hạt mưa. Tự liệu là có ép mấy đứa trẻ đi cố cũng không ích gì, thiếu phụ do dự một chút, rồi đi rẽ vào một ngôi nhà gỗ ở gần vệ đường, phía trong nhà có ánh đèn le lói, nàng đánh bạo gọi cổng xin vào ngủ trọ. Nhưng vừa dứt lời thì đã thấy một ông già hấp tấp chạy ra, ông ta dẫn đường cho thiếu phụ và dắt hai đứa trẻ vào. Ông lại thân đi lấy nước cho khách rửa chân tay, rồi mời cả lên một cái bục cao kê ở giữa nhà, trên đặt sẵn một mâm cơm bày thức ăn la liệt.


Thấy cách tiếp rước của chủ nhân rất vồn vã và sự khoản đãi hình như đã dự định từ trước, thiếu phụ không khỏi kinh ngạc và cố ý khước từ:
- Mẹ con tôi lỡ độ đường, được cụ cho nghỉ nhờ một đêm, cũng đã là may mắn lắm rồi, có đâu dám phiền cụ quá như vậy!


Ông già liếc nhìn mấy đứa trẻ, rồi cung kính thưa:


- Đêm qua, tôi chiêm bao thấy thần truyền: “Phải quét dọn nhà cửa cho sạch sẽ. Ngày mai sẽ có Vua và thái hậu đến đây”. Tôi mong suốt cả ngày hôm nay, tuyệt nhiên không thấy một ai. Bây giờ mới có bà và ba cậu xin vào ngủ trọ. Tôi chắc không phải họ hàng nhà Vua thì cũng là dòng dõi nhà Chúa chứ không sai.


Thiếu phụ hơi biến sắc mặt, nhưng lại nghiêm nghị nói:
- Mộng mị xưa nay có đúng sự thực bao giờ, cụ lầm đấy. Không nên nói quấy quá mà có khi nguy hiểm đến tính mạng.


Ông già làm thinh không đáp. Nhưng những cử chí rất thành kính của ông sau này đủ chứng rằng lời thiếu phụ chẳng đánh đổ nổi sự tin tưởng của ông. Ông hết sức chăm nom cho mấy đứa trẻ và tự buông màn lấy mời thiếu phụ đi nghỉ.


Hôm sau, thiếu phụ dậy thật sớm, cáo biệt chủ nhân, rồi lại ẵm và dắt ba con lên đường. Ông già cố giữ lại ăn cơm sớm, nhưng nàng nhất định chối từ. Ông liền tặng vài nắm cơm với một chút đồ ăn và tiễn ra đến tận cộng.


Dọc đường, chốc chốc thiếu phụ lại cúi đôi con mắt đẫm lệ xuống nhìn nhìn hai con và nghẹn ngào thúc giục cho chúng đi thật mau lên, mặt trời vừa đứng bóng thì mẹ con nàng đã đến Đại Phùng, một bến đò trên con đường Sơn Tây, cách đô thành chừng bốn mươi dặm.


Thấy hai con đã mệt lử, thiếu phụ liền ghé vào một quán nước, bỏ cơm nắm ra ăn. Nhưng nàng vừa cắt xong cơm nắm đặt lên vỉ với một chút muối vừng thì, phía ngoài chợt có tiếng ngựa hý, xen lẫn với tiếng rầm rập của chân người. Bất giác nàng đứng dậy, toan dắt ba con ẩn vào sau quán thì đã có hàng trăm tên lính nón dấu, áo nẹp đổ xô vào, vây bọc lấy mẹ con nàng.


Từ đám đông đó, một viên tướng tiến lên, vái chào thiếu phụ thưa:
- Thần được lệnh của Chúa thượng đi thỉnh lệnh bà và các hoàng tôn về an trí ở kinh thành, xin lệnh bà mau mau lên võng để thần khỏi phải làm trái với đạo thần tử.


Nước da đang trắng nõn bỗng đổi sang tái nhợt, thiếu phụ đứng trơ như một khúc gỗ, giữa mấy đứa trẻ níu chặt lấy áo mẹ nó để cầu sự che trở trước một bọn người mà chúng không hề quen biết bao giờ. Song hình như lại định thần được ngay, thiếu phụ đáp lại những câu thúc giục của viên tướng bằng một cái gật đầu. Tiếp, lẳng lặng nàng dắt con ra đặt lên một cái võng mà người ta đã dựng ở cửa tự lúc nào, chính nàng cũng không được biết.


Bắt được mẹ con thiếu phụ rồi, Vũ Huy Đĩnh (tên viên tướng) vui vẻ nhảy lên mình ngựa, hộ quân kéo thẳng lên Sơn Tây. Trên võng thiếu phụ vẫn thản nhiên vuốt ve ba con. Nhưng chúng thấy phu khiêng võng đi lanh như gió cuốn thì kinh sợ, hỏi mẹ:
- Họ đưa chúng ta đi đâu mà vội vàng thế hả mẹ?


Thiếu phụ ung dung đáp:
- Xuống âm phủ để xum họp với cha các con đấy!
Đứa lớn nhất hiểu thấu câu ấy nên mặt thoáng có vẻ buồn. Trái lại, thằng bé lên năm tưởng là lời nói ngay thật thì vỗ tay reo:
- Được thế thì còn gì vui hơn nữa, mẹ nhỉ!


Thiếu phụ gật đầu, trong khóe mắt rân rấn ra hai giọt lệ
Ngay ngày hôm ấy, cả bọn cùng tới trấn lỵ Sơn Tây. Nhưng cái danh phận của tội nhân có lẽ khí quá lớn, không xứng với cái uy quyền khí nhỏ quá của viên Hiến sát sứ Trấn Đoài, nên người ta lại do con đường cũ mà giải mẹ con thiếu phụ về Thăng Long.


Tới đô thành, Vũ Huy Đĩnh đưa thẳng tội nhân đến ngục Đề Lĩnh mà giam vào một gian phòng ẩm ướt và tối tăm, gian phòng mới bỏ rỗi được hai ngày, vì chủ nhân cũ của nó vừa chịu tử hình.


Trước khi trở về Trịnh phủ để phục mệnh Tĩnh đô vương, Huy Dĩnh còn dõng dạc truyền bảo giám ngục quan:
- Phải canh phòng cẩn mật, nghe không? Chúng toàn là những tử tù cả đấy!






Truyện liên quan