Chương 2 : Thái tử Duy Vĩ

Tại sao cái ch.ết của một người – dù là ch.ết oan và ch.ết lối “bất đắc kỳ tử” – đã được công chúng tin rằng có ảnh hưởng và gây ra một trạng thái phi thường trong vũ trụ!


Muốn trả lời câu trên này, trước hết các bạn phải biết qua thân thế của Đức ông Hoàng Trừ và địa vị Đức ông trên lịch sử Việt Nam giữa thế kỷ XVIII.
Người mà công chúng quen gọi là Đức ông Hoàng Trừ tên thật là Lê Duy Vĩ, con trưởng vua Lê Cảnh Hưng, hiện giữ ngôi Trừ Nhị[2] ở Bắc Hà.


Duy Vĩ vẻ người tuấn nhã và thông minh rất sớm. Tuy đã được kén làm Thái tử, nghĩa là nắm vững cái phú quý trong tay, nhưng không đêm nào chàng không đọc sách và thân yêu kẻ sĩ, cho nên trong nước, ai cũng kính trọng và tin rằng tiền đồ của nước Nam sẽ ở trong tay một ông Vua minh mẫn.


Minh đô vương phi là Nguyễn Thị Ngọc Vinh cũng mến tài đức của Thái tử nên bàn với chồng, mang con gái yêu là Tiên Dung Quận chúa, gọi gả cho chàng, để giữ trước cho con gái mình ngôi “mẫu nghi thiên hạ”.


Quận chúa có cái sắc đẹp thùy mị, lại học rộng và rất giỏi về văn thơ, đính hôn với Thái tử tưởng không còn gì xứng đáng hơn nữa. Song hóa công hình như hối hận là nếu đãi đôi thiếu niên mày một cách quá hậu, sẽ mang tiếng bất công với muôn loài nên đã dành cho họ một cái kết quả rất cay độc để giữ thế tương đương với những cái ân huệ mà họ được hưởng, khi mới bước chân vào cuộc thế.


Nguyên, ngoài Tiên Dung Quận chúa ra, Minh đô vương còn có một người con trai lớn (khác mẹ) tên là Trịnh Sâm. Sâm được lập làm Thế tử[3], cũng là tay văn võ kiêm toàn, nhưng tiếc rằng độ lượng khí hẹp hòi. Chàng thấy Thái tử có tài mạo chẳng kém gì mình mà được vợ chồng Minh đô vương biệt đãi thì có ý ghen tức.




Một hôm, nhân Trịnh phủ có yến, Vương phi cho đặt một mâm cỗ ở sập trên, chiếu trải năm trùng để dành riêng cho Thái tử. Còn Thế tử thì phải ngồi sập dưới, chiếu trải có ba trùng.


Khi vào tiệc, Thế tử vô tình ngồi cùng với Thái tử một mâm. Nguyễn vương phi chợt đến, tỏ ý không bằng lòng dụ bảo hai người:
- Thái tử với Thế tử, tình là anh em, nhưng nghĩa là Vua tôi. Tuy ở trong gia đình cũng không nên bỏ lễ tôn ti trật tự.


Tiếp, Vương phi bắt Thế tử ngồi xuống chiếu dưới mà không tìm lấy một lời yên ủy.
Cử chỉ đột ngột đó làm cho Trịnh Sâm hổ thẹn không biết ngần nào. Rồi từ hổ thẹn đổi sang oán giận, chỉ trong có một bước: suốt bữa ấy, Sâm không ăn uống gì cả, chỉ nghĩ cách ám hại Thái tử.


Tan tiệc, Thái tử và Thế tử cùng ra về, tới cửa phủ, Sâm ngăn Thái tử lại, rút một đôi đũa bạc thủ sẵn trong tay áo ra bẻ làm đôi nói:
- Hai chúng ta tất phải có một người sống, một người ch.ết. Vua ấy với Chúa này quyết không thể cùng đứng với nhau được!


Thái tử mỉm cười, gạt tay Sâm ra, lên kiệu tiến thẳng về cung nên cuộc xung đột của hai người, Minh đô vương và cho cả đến Nguyễn vương phi nữa, cũng không nghe biết.
Tại sau Duy Vĩ lại đáp lại sự khiêu khích của Trịnh Sâm bằng thái độ yên lặng, trong không khỏi có ý khinh bỉ?
Giản dị lắm.


Thái tử đã là người thông minh, bác học, tất không quên được việc Trịnh Tùng giết vua Lê Kính Tông, Trịnh Giang hại Lê đế Duy Phương và gần đây hơn hơn hết, Trịnh Doanh vô cố truất vua Lê Ý Tông, ấy là chưa kể bao nhiêu lần khác nữa, họ Trịnh đã tự ý bỏ và lập các vua Lê, không luận gì đến lễ nghĩa Vua tôi và lòng mong mỏi của sĩ phu trong nước.


Họ Trịnh có cả thiên hạ mà vua Lê chỉ được hưởng lộc của một nghìn làng. Họ Trịnh chiếm đoạt cả chính quyền lẫn binh quyền; vua Lê chỉ được giữ năm nghìn lính Túc vệ để canh giữ các cung điện.
Họ Trịnh là một quyền thần, nối đời ức hϊế͙p͙ nhà Vua .


Trái lại, vua Lê không khác một pho tượng gỗ, giương đôi mắt bất lực nhìn cái thế lực điêu tàn của nhà mình bị chìm đắm dần vào cõi tiêu diệt.
Duy Vĩ oán họ Trịnh.


Nhưng chàng cũng tự biết rằng cái sức bạc nhược của nhà Lê lúc này, chăng đủ trừ được một con hổ dữ mà thời gian đã nuôi cho béo và khỏe vô cùng.
Chàng trông cậy vào tương lai.


Chàng kết giao với sĩ phu trong nước, hy vọng là sau này sẽ nhờ cái lực lượng của họ để lật đổ chiếc vai cầy mà nhà Lê phải đeo đẳng đã trên hai thế kỷ.
Duy Vĩ có trí lớn.


Chí ấy không phải Minh Đô vương không biết. Nhưng giữa Vương và Thái tử, có tình bố vợ con rể nên tuy biết mà Vương vẫn làm ngơ. Không may cuộc hôn nhân chưa kịp thực hiện thì Tiên Dung Quận chúa qua đời. Giọt lệ khóc ý trung nhân của Thái tử chưa ráo thì lại tiếp đến Minh đô vương băng hà. Thế là cái cầu nối hai họ Lê và Trịnh bắc chưa xong đã bị đổ ngổn ngang bỏ lại giữa nhà Chúa và nhà Vua một cái vực sâu thẳm.


Trịnh Sâm được thay cha lên làm Chúa Bắc Hà, lấy hiệu là Tĩnh Đô vương.
Tĩnh vương không quên câu đe dọa hồi còn ở ngôi Thế tử.


Nhưng mấy năm đầu, Vương sở dĩ còn dùi dẳng là vì truất bỏ một vị Thái tử không dễ như cách chức một tên nội giám trong cung; cần phải có một cớ - dù chính đáng hay không cũng được – để thân minh với quốc dân.


Sau rốt, Tĩnh vương tìm được một cớ là vu cho Thái tử thông gian với những phi tần của cha mình.
Không luận rằng cái cớ “tổ truyền”[4] ấy công chúng có chịu nuốt trôi hay không. Tĩnh vương cũng cứ sai hai viên quan hoạn thân tín là Vũ Huy Đĩnh và Hoàng Ngũ Phúc vào nội điện bắt Thái tử hạ ngục.


Người ta sẽ chê Thái tử là chất thực quá, nếu chàng không đoán biết là sẽ có một cái vạ tày đình từ Trịnh phủ gieo xuống thân mình mà liệu cách đề phòng.


Có, Thái tử đã đoán biết cả. Vì đoán biết nên chàng thận trọng từng ly, từng tý, khiến cho Tĩnh vương tuy tốn công dò xét mà không bắt được chàng làm một việc gì trái với pháp luật hay luân thường.


vua Lê cũng hết mực lo lắng cho con. Nhất là từ hồi trong giếng Tam sơn ở sau điện có tiếng nhưng tiếng sấm nổi lên thì nhà Vua lại càng tin rằng tất có biến cố xảy ra, nên cho cầu đảo suốt đêm ngày, hy vọng là thượng đế sẽ thấu tấm lòng thành của nhà Vua mà cho họ Lê được tai qua nạn khỏi.


Nhưng ý định của hóa công là bất di bất dịch.


Liệu biết là giờ khốc liệt của mình đã gần đến, Thái tử lẩn trốn vào nội điện của vua Lê, tin rằng họ Trịnh sẽ vì nể mặt nhà Vua mà cho Thái tử được an toàn. Nhưng đó là một cái ảo tưởng. Vì Vũ Huy Đĩnh, sau khi lục soát Đông cung rất kỹ càng mà không thấy Thái tử đâu cả, liền vào thẳng nội điện, cáo tố tội trạng của Thái tử với vua Lê, rồi tâu:


- Tôi nghe Thái tử ẩn trong điện, xin bệ hạ truyền cho Thái tử ra đây để tôi khỏi phải làm náo động nơi ngự tẩm.


vua Lê thừa hiểu rằng con mình vô tội, nhưng nếu cưỡng với chúng cũng chẳng được nào, thành ra cứ dùng dằng không nỡ rời con. Thái tử vội ra mặt khóc lậy từ cha, rồi thân xuống thềm cho Vũ Huy Đĩnh bắt, giải về Vương phủ.


Đến trước Tĩnh đô vương, Vũ Huy Đĩnh giục chàng cởi mũ và quỳ xuống chịu tội. Nhưng Thái tử không nghe, hằm hằm nói:
- Thí nghịch, phế lập là việc thường của Chúa tôi nhà mày. Ta đây phỏng có tội gì? Sau này sẽ có sử xanh định liệu!


Nhưng một câu nói của Thái tử có khi nào làm chuyển một khối óc của một bọn người mà lương tâm đã bị mù, điếc vì sự hằn thù.
Người ta cứ thi hành đúng những cơ mưu đã định sẵn.
Người ta giáng Thái tử Duy Vĩ làm thứ dân mà hạ ngục.


Người ta đặt vào ngôi Thái tử, người con thứ tư của vua Lê C ảnh Hưng – Lê Duy Cẩn – một ông hoàng có bộ xương sống rất mềm, lại chăm ra vào Trịnh phủ.


Tấm lòng hờn oán của Tĩnh đô vương tuy vậy vẫn chưa được thỏa mãn. Vì xưa kia chẳng phải Thế tử Trịnh Sâm đã đứng trước Thái tử Duy Vĩ mà thề: “Hai chúng ta tất phải có một người sống, một người ch.ết!”


Thế tử hiện nay đã lên ngôi Chúa, quyết là không ch.ết được rồi. Vậy kẻ cần phải khước bỏ ra ngoài ánh sáng mặt trời, hẳn không còn ai khác là Thái tử Duy Vĩ, tuy Duy Vĩ đã không là Thái tử nữa!


Để hại Duy Vĩ, Tĩnh vương lại tìm ra được cớ thứ hai: vu cho Duy Vĩ mật mưu với bọn gian thần là Nguyễn Lệ, Lương Giản và Vũ Bá Cảnh để vượt ngục ra ngoài làm loạn.
Lương Giản may biết sớm, trốn thoát.


Vũ Bá Cảnh chậm chân, bị Vũ Huy Đĩnh bắt được, tr.a tấn đến cực hình. Bá Cảnh không nhịn được đau, phải nhận liều là có âm mưu thật và phun bậy ra thêm một người nữa là Điện tiền hiệu điểm, Nguyễn Lệ, tức là viên tướng quản lĩnh đội cấm binh của Duy Vĩ khi còn làm Thái tử.


Người ta bắt Nguyễn Lệ mà tr.a tấn.
Lệ khẳng khái, khai:


- Thái tử là ông Vua tương lai của một nước, không có tội gì mà bị bắt giam thì ai chẳng bất bình. Mưu cướp Thái tử ra khỏi ngục là nghĩa cử đó. Tôi chỉ tiếc rằng không được dự vào việc này. Vả trong khi Thái tử bị giam, đến vợ con cũng không được vào thăm thì chúng tôi phỏng còn mật mưu được với Thái tử bằng cách nào? Nếu muốn giết tôi thì cứ giết. Hà tất phải vu cho tôi những việc mà tôi không dự một mảy may nào cả.


Lại một lần nữa, người ta không cần phải tr.a cứu xem việc đó có thực hay không.
Các quan thẩm phán vẫn là Vũ Huy Đĩnh và Hoàng Ngũ Phúc – đã tiếp được mật lệnh phải kết án bọn Nguyễn Lệ và Vũ Bá Cảnh.
Họ cứ ngoan ngoãn mà kết án: hai người phải chịu tử hình.


Duy Vĩ cố nhiên cũng cùng một số phận với hai người trên. Nhưng vì trọng chàng là Thái tử cũ nên cho chàng được ch.ết một cách kín đáo, nghĩa là đặc biệt hơn. Cho nên trong lúc Nguyễn Lệ và Vũ Bá Cảnh phải rụng đầu, giữa những tiếng chiêng và trống om sòm trên bến Thảo Tân thì Thái tử Duy Vĩ lẳng lặng tự kết thúc đời mình bằng ba vuông lụa mỏng trong một gian phòng tối tăm và ẩm ướt tại ngục Đề Lĩnh.


Lúc ấy vào khoảng cuối giờ Ngọ.
Cũng là lúc một tấm màn hắc ám bao phủ lên đô thành Thăng Long.
Người Việt Nam, luôn tin tưởng là có thần quyền, cho đó là một trạng thái gây ra bởi oan hồn của Thái tử Duy Vĩ.[5]
__
[2] Cũng như ngôi Thái tử, nghĩa là khi nào Vua ch.ết thì được cử lên thay.


[3] Người được nối ngôi chúa được gọi là Thế tử, theo cách gọi của con Vua chư hầu đời Chiến quốc.
[4] Trịnh Giang vu cho Lê đế Duy Phương thông gian với phi tần của cha là Trịnh Cương mà làm tội.


[5] Theo các nhà viết sử thì sau khi giết được Thái tử Duy Vĩ, Trịnh Sâm có ý cướp luôn cả ngôi báu của nhà Lê. Một hôm, ăn chay, tắm gội rất sạch sẽ, Sâm lên Tây hồ, định cầu chiêm bao, nghĩa là nhờ thần thánh quyết định giúp một việc mà chính Sâm còn do dự chưa dám làm. Nhưng dọc đường, phảng phất có người như Thái tử Duy Vĩ đứng ngăn lấy kiệu, Sâm sợ hãi, phải truyền quay về. Đêm ấy Sâm nằm mơ thấy có người áo đỏ, khăn hồng, tay cầm chiếc bơi chèo, vén màn lên chòng chọc nhìn mình . Sâm hỏi: “Ai?” thì người ấy đáp: “Ta là Thái tử Duy Vĩ đây!” Từ đó Sâm vì lo sợ quá mà thành bệnh, không thuốc thang nào khỏi nữa.






Truyện liên quan