Chương 18 : Giấc mộng con

Tôn Sĩ Nghị từ khi đem quân ra khỏi cửa ải, qua rừng lội suối dễ dàng như đi trên đồng bằng. Suốt từ Nam Quan cho đến Thăng Long, Nghị không phải đánh trác gì cả. Xưa này các tướng dụng binh không bao giờ lại được an nhàn như vậy. Bởi thế Tôn Sĩ Nghị coi dân Việt Nam làm thường, lên mặt kiêu ngạo. Tại các đồn binh, Nghị cho quân được tự tiện tản mác, ra ngoài kiếm củi hoặc vào các hương thôn hay chợ búa mua bán thức ăn. Chúng cứ sớm đi tối về, có khi đùa bỡn suốt ngày, không nghĩ gì đến kỷ luật cả. Nếu có ai nhắc nhỏm đến việc giặc giã thì chúng bĩu môi, coi như cá chậu chim lồng, bắt lúc nào nên lúc ấy. Có đứa ngang nhiên trả lời:


“Quan Đốc bộ đã truyền đến mồng sáu tháng Giêng thì kéo thẳng vào hang tổ của giống Tây Sơn, bắt cả bọn chúng không để sót một mống nào. Người Bắc Hà các ngươi cứ đấy mà coi!”


Người trong nước phần nhiều tin lời ấy là phải, chợt có một người cung nhân cũ ở Tràng An[13] ra xin vào yết kiến Thái hậu, nói:


- Hoàng thượng về kinh thành, đến nay thấm thoắt đã gần một tháng, thế mà chỉ có năm phủ là Thường Tín, Ứng Hòa, Từ Sơn, Thuận Thành, Quảng Oai là nghe theo hiệu lệnh của triều đình. Còn từ Tràng An trở về phía Nam như Thanh Hóa là nơi côn bản, Nghệ An là chỗ trọng địa vẫn ở trong tay quân Tây Sơn. Trong ngoài xa cách, một nước mà chẳng khác gì hai, tình thế quân giặc mạnh yếu thế nào, tuyệt nhiên không một ai hay biết. Hoàng thượng cùng các quan tòng vong bấy lâu lặn lội, tưởng nên lo xa mới phải, không ngờ cứ vững như kiềng ba chân, chẳng lo toan gì đến tiền đồ của nước nhà cả. Còn Tôn Tổng đốc thì từ Tầu sang, nói là hiểu biết nước mình nhưng cũng chỉ hiểu chút ít là cùng. Còn địa thế như thế nào, chỗ nào nên đánh, chỗ nào nên giữ, họ làm sao hiểu được. Khi trước Lê Quýnh có bẩm với Tôn Sĩ Nghị rằng: “Nước ta có nhiều nơi không chịu theo giặc, nếu có đại binh sang làm thanh thế thì họ sẽ ứng nghĩa ngay.” Nhưng đó chỉ là lời nói cho người Tầu yên tâm mà mang quân sang cứu đó thôi. Cho nên trong tờ hịch mới dựa cả vào ta hống hách xằng, chứ có biết đâu rằng Nguyễn Huệ là một tay đại anh hùng, bắt Nguyễn Hữu Chỉnh như bắt một con lợn, tài trí không ai bì được. Người Bắc Hà chúng ta sợ Huệ như sợ sấm sét. Chỉ ngại nay mai hắn lại mang quân ra đây thì Tôn Tổng đốc cũng khó lòng đương rồi. Rồi đây Thái hậu có thể chạy sang Tầu mà cầu cứu mãi được không?


Thái hậu giật mình nói:
- Đó chính là việc ta vẫn lo lắng, như thật chưa nghĩ được một mưu kế gì cả.
Thái hậu vội thuật lại những lời trên với Vua Chiêu Thống, nhà Vua cũng sợ hãi, lập tức cùng bọn Lê Quýnh sang xin Tôn Sĩ Nghị cất quân.
Nghị trỏ vào mặt Lê Quynh mắng:


- Tự vương còn ít tuổi, chưa từng trải việc đời, chẳng dám nói làm gì. Nhưng trước kia nhà ngươi lên đón ta ở Lạng Sơn, sao không nói rõ để ta nhân lúc thắng trận mà đánh tràn đi thì có dễ dãi lắm không? Nay cơ hội bỏ lỡ để có thì giờ phòng bị mất rồi. Vậy nếu muốn đánh phải dự bị cho cẩn thận mới được. Vả trước kia ta đã định đến mồng sáu tháng Giêng mới cất quân thì dù sao cũng phải chờ đến ngày ấy mới được. Nếu vua tôi nhà ngươi có vội thì cứ tùy tiện mang một đạo quân đi trước.




Lúc trở ra về, Vua Chiêu Thống bảo với Lê Quýnh:
- Việc nước kể cũng đã xong được quá nửa rồi. Ngươi nên cố gắng lên để dân nước khỏi dị nghị và người Tầu đừng trách đến ta mới được.


Lê Quýnh vốn là dòng dõi nhà nho, không quen việc chiến trận nên nghe Vua nói thế thì cũng ậm ừ qua loa rồi xin Vua sai viên trấn thủ Sơn Nam mang quân bản đạo ra đóng giữ cửa sông, tưởng làm thế là đủ chặn đường quân Tây Sơn ra Bắc. Quýnh có ngờ đâu rằng khi Ngô Văn Sở sai Nguyễn Văn Tuyết về Thuận Hóa cáo cấp, Bắc Bình vương liền chính vương vị, đổi niên hiệu là Quang Trung, rồi cất quân ra ngay. Tới Thanh Hóa, vua Quang Trung sai thảo hàng thư gởi ra cho Sĩ Nghị để Nghị tự đắc mà không đề phòng. Ngày ba mươi tháng Chạp năm Chiêu Thống thứ hai, quân Tây Sơn qua sông Giản Thủy, thanh thế rất lừng lẫ. Các toán quân cần vương ở vùng này không dám chống cự, đều tan vỡ cả. Đến sông Nguyệt Quyết thì gặp quân Tầu, nhưng chưa đánh đã tan. Vua Quang Trung thúc quân đuổi theo đến Phú Xuyên thì bắt sống được cả nên không một tên nào về báo được với Tôn Sĩ Nghị. Ngày mồng bốn tháng Giêng, quân Tây Sơn tiến đến Hà Hồi, vây kín lấy quân Tầu, rồi bắc loa lên gọi. Tiếng đáp lại như sấm vang. Quân trong đồn này sợ hãi, phải xin hàng.


Vua Quang Trung lại sai quân lấy 50 mảnh ván, cứ ghép ba mảnh làm một, rồi lấy rơm ướt mà quấn ở ngoài. Nhà Vua sai bọn quân khỏe mạnh, giắt dao nhọn khiêng những mảnh ván ấy hai bên có 20 người cầm khí giới đi kèm, thành một hàng trận hình chữ nhất. Nhà Vua cưỡi voi đốc chiến, thúc quân tiến thẳng đến đồn Ngọc Hồi. Quân Tầu ở trong đồn bắn ra, vướng những mảnh ván không tin một phát nào. Họ phải đốt lửa và bắn hỏa hổ ra, không ngờ trời trở gió, khói lửa bay cả vào phía quân Tầu. Vua Quang Trung thừa thế thúc quân sấn vào đồn, bỏ ván xuống đất và rút dao nhọn ra đâm chém. Quân Tầu không đương nổi, phải bỏ đồn mà chạy. Tướng Tầu là Thượng Duy Thăng bị ch.ết trong đám loạn quân.


Tuy ngoài thành đánh nhau rất kịch liệt mà Tôn Sĩ Nghị tuyệt nhiên không thấy biết gì cả.


Tại Thăng Long, Nghị vẫn cùng với vua Chiêu Thống uống rượu mừng xuân. Ngày mồng bốn, chợt có quân đồn Ngọc Hồi chạy về cáo cấp. Tôn Sĩ Nghị hoảng sợ, như kẻ bị sét đánh ngang đầu. Lập tức Nghị sai viên lãnh binh Quảng Tây là Dương Hùng Nghiệp và hàng tướng Tây Sơn là Phan Hoài Đức đi cứu. Lại sai luôn 20 kỵ binh đi theo, dặn hễ có tin tức gì thì phải về báo ngay tức khắc. Trong bụng Nghị chỉ phòng một mặt Ngọc Hồi, chứ không nghĩ gì đến nơi khác.


Canh tư đêm ấy, bỗng nghe phía Tây Bắc có tiếng súng nổ, vội cho người lên ngựa ra xem thì đồn Điền Châu đã vỡ rồi và quân Tây Sơn đương kéo vào cửa ô, lửa sáng rực trời và chém giết rất dữ dội.


Nghị giật mình kinh sợ, chẳng kịp mặc giáp thắng yên gì cả, nhảy tuốt lên ngựa mà chạy qua cầu phao sang Bắc. Quân Tầu mất tướng như hổ mất đầu, cùng tranh nhau chạy, thậm chí đứt mất cả cầu phao, lăn cả xuống sông mà ch.ết.


Tự liệu là không còn trông cậy vào ai được nữa, vua Chiêu Thống vội cùng với vài người cận thần đưa Thái hậu đi trốn. Nhưng ra đến bờ sông thì cầu phao đã đứt rồi, phải rẽ lên Nghi Tàm, thuê một chiếc thuyền đánh cá sang sông và thẳng đường lên Bắc.


Trưa ngày mồng sáu năm Kỷ Dậu, nhà Vua tới núi Tam Tằng, nghe tin Sĩ Nghị vừa chạy qua đó và quân Tầu lũ lượt theo sau. Nhà Vua nhập bọn với họ, cùng đi. Tới Hòa Lạc nhà Vua được một người thổ hào biết mặt, mời về nhà, làm cơm khoản đãi. Vừa ăn xong thì quân Tây Sơn đuổi cũng gần đến, nhà Vua cáo từ vị thổ hào kia và ứa nước mắt nói:


- Tôi thật không biết lấy gì để tạ cái hậu tình của ông bây giờ. Chỉ cầu trời đất thấu biết tấm lòng thành của ông mà giáng phúc cho ông thôi. Nay quân giặc đuổi đến nơi rồi. Có đường nào chạy thoát được lên cửa ải không, xin ông chỉ bảo giúp cho.


Thổ hào sai con đua Vua Chiêu Thống và Thái hậu đi tắt vào đường núi.


Đi theo Vua Chiêu Thống lúc này chỉ có tám người là Nguyễn Viết Triệu (Phó Đề lĩnh) dắt ngựa cho nhà Vua; còn bọn Địch Quận công Hoàng Ích Hiểu (Phụ đạo Cao Bằng), Lê Hân (Thự trấn), Phạm Như Tùng (Đề lĩnh), Nguyễn Quốc Đống, Phạm Đình Thiện (Hiệp lý), Lê Quý Thích, Lê Văn Trương thì đi theo hộ vệ Thái hậu và Nguyên tử[14].


Thấy đường lối gập ghềnh và sự đi lại rất khổ sở, trong bọn bề tôi tòng vong có người buột miệng ra bốn câu thơ sau:
“Truy tùy loan giá xuất Nam quan
Sơn lộ khi khu bộ bộ nan.
Báo quốc thử thân duy nhất tử,
Lâm nguy lý hiểm cảm tư nhà.”
(Theo hầu loan giá vượt Nam quan,
Đường núi gay go cứ bước tràn.


Giúp nước thân này đành một ch.ết,
Ở trong nguy hiểm, dám mong nhàn.)
Buổi trưa hôm ấy, nhà Vua tới cửa ải thì gặp Tôn Sĩ Nghị cũng vừa chạy về tới đó. Nhà Vua trông Sĩ Nghị ứa nước mắt nói:


- Tôi vì vô tài nên không giữ nổi nước. Nay được Ngài phụng chỉ sang giúp, không ngời trời không có lòng tựa nước tôi nên lại phải chạy sang lần nữa. Thôi xin chúc Ngài về quý quốc được hưởng phúc lành, còn tôi thì xin lưu lại đây, thu thập lấy ít nhiều dân binh, may ra có cơ khôi phục. Bằng không nữa thì cũng liều với giặc một phen.


Sĩ Nghị có ý thẹn, lấy gươm vạch vào gốc cây thành mấy chữ “Quang Trung bất diệt, tắc bất hưu” lại nói:
- Tôi sẽ dâng biểu về xin viện binh, chỉ nay mai là tới nơi. Chốn này gần đất giặc không nên ở lâu. Nhà Vua hãy tạm vào Nam Ninh nghỉ ngơi và chờ sắc chỉ.


Vì không thể làm khác được nên vua Chiêu Thống phải nghe theo Sĩ Nghị mà đến Nam Ninh, tiếp lại lên Quế Lâm, dọc đường nghe tin Vua Càn Long biết tin thua trận, đã phái Các thần là Phúc Khang An được quyền điều khiển quân sĩ chín tỉnh, sang đánh báo thù cho Tôn Sĩ Nghị.


Vua Chiêu Thống ngụ ở đất Tầu chưa được bao lâu thì các bề tôi khác cũng lục tục kéo sang. Hoàng thúc là Trung Quận công Lê Duy Án thì đi đường Đồng Trụ; Đinh Nhạ Hành, Đinh Lệnh Dận, một bọn chừng mười người do Long Môn đi tới, Trần Huy Lâm, Phan Khải Đức đi đường Trấn nam quan, Phụ đạo Cao Bằng là Bế Nguyễn Cung, Bế Nguyễn Doãn đi đường Cao Bằng.


Phúc Khang An cho vua tôi Vua Chiêu Thống an trí ở Quế Lâm và cấp lương cho ăn. Sau lại cắt Phan Khải Đức làm Đô tư Liễu Châu, Đinh Nhạ Hành làm Thủ bị Toàn Châu. Còn bọn hoàng thúc và Trần Huy Lãm thì cho ở lại hầu Vua Chiêu Thống.


Phúc Khang An tuy được tiếng là dẹp yên giặc bể ở Kim Châu, Đài Loan, nhưng xuất thân là một viên ấm sinh[15], nhờ Vua Càn Long tin yêu mà leo lên đến chức Các thần, sự thực cũng một phường văn nhược như Tôn Sĩ Nghị.


Khang An không có chí tiến quân nên đánh tiếng cho vua Quang Trung, nói nếu chịu dâng biểu xin hàng thì đề đạt giúp cho mà tránh được cái nạn binh cách[16].


Vua Quang Trunh nhân muốn dưỡng uy súc nhuệ nên cũng thể theo ý ấy mà sai bọn Nguyễn Quang Hiển sang đút lót cho Khang An và dâng biểu xưng thần. Khang An đã được tiền, lại thoát được cái họa chiến tranh nên tìm hết cách đồng thời lừa dối vua tôi nhà Lê lẫn bưng mắt vua Tầu.


Đối với vua tôi nhà Lê thì Phúc Khang An nói:
- Trời đang mùa hè nồng nực, sang đánh phương Nam không tiện. Đợi sang thu mát mẻ sẽ tiến quân cũng không muộn.
Rồi cho binh mã tỉnh nào quay về tỉnh ấy.
Một hôm Khang An cho mời vua Lê đến dự yến. Trong khi ăn uống, Khang An nói:


- Chẳng bao lâu nữa sẽ mang quân sang đánh An Nam, nhà Vua nên dóng dả[17] các tướng sĩ dự bị sẵn sàng đi. Nhưng xưa kia sở dĩ Tôn Tổng đốc thua trận là vì giặc phân biệt được người Tầu với người Nam dễ dàng quá. Vậy, nhà vua cùng với các bề tôi tòng vong nên cắt tóc và đổi ăn mặc theo người Tầu để lẫn với quân Tầu, làm cho giặc không thể nhận được. Đến khi thành công rồi thì tùy ý, muốn ăn mặc thế nào cũng được. Việc hành binh cần phải biến trá, nhà vua thử nghĩ mà xem.


Vua Chiêu Thống tưởng lời Phúc Khang An xuất ở thực tình nên vô tình đáp:
- Tôi đã mất nước. May nhờ Thiên triều tái tạo cho thì dù bắt cả nước tôi đổi y phục theo người Tầu, tôi cũng bằng lòng, có đâu dám trái mệnh.


Từ đó vua tôi nhà Lê đều để tóc và đổi cách ăn mặc giống hệt như Tầu. Phúc Khang An liền dâng biểu mật tâu lên vua Càn Long:
- Vua nước Nam là Lê Duy Kỳ không có ý xin viện binh nữa. Hiện vua tôi họ đã dịch phục và tình nguyện lưu ở Trung Quốc. Vậy xin bãi việc cất quân đánh phương Nam.


Tại Bắc Kinh, Khang An xui sứ bộ Tây Sơn đút lót Các thần là Hòa Thân, nên được Hòa Thân hết sức tán thành. Vì đó, vua Càn Long tưởng thực nên không đả động gì đến việc cất quân nữa và cả quyết phong cho Nguyễn Huệ làm An Nam Quốc vương.


Một hôm Khang An sai bầy kiếm kích và súng, ngựa rất tề Chỉnh ở trong thành. Phía giữa lại dựng một lá cờ thực to trên viết mấy chữ: “Đề đốc cửu tỉnh binh mã”, rồi cho mời vua Lê đến. Khang An cho pha trà mời nhà Vua uống, nhưng từ lúc vào cho đến lúc ra không nói một câu gì. Nhà Vua không hiểu dụng ý của Khang An thế nào. Một lát Vua Chiêu Thống cáo về, ra đến ngoài cửa chợt gặp các sứ thần Tây Sơn. Bấy giờ nhà Vua mới hiểu rằng Khang An làm như vậy là cốt để cho sứ Tây Sơn xem mặt mình nên tức giận vô cùng, nhưng cũng chỉ đến ôm hận mà về nơi quán trọ.[18]


__
[13] Ninh Bình.
[14] Con vùa Chiêu Thống.
[15] Danh vị cấp riêng cho con trai của quan lớn, thời phong kiến.
[16] Việc chiến tranh, việc quân sự.
[17] Thúc giục.
[18] Dụng ý của Phúc Khang An là tỏ ra cho sứ Tây Sơn biết rằng nhà Thanh không có ý gì giúp vua Chiêu Thống cả.






Truyện liên quan