Chương 16 : Kim, chỉ cũng phong trần

Trong lúc Lê Duy Đản và Trần Danh Án bị thần sốt rét hành hạ ở nơi quán trọ thì một sứ bộ khác cũng tiều tụy chẳng kém gì hai người, đương đứng chực ở Đốc bộ đường Nam Ninh để xin quân cứu viện cho nhà Lê.
Đứng đầu sứ bộ đó là một người đàn bà: Lê Thái hậu.


Sau khi tạm biệt Vua Chiêu Thống, Lê Thái hậu lập tức cùng với bọn Lê Quýnh và Nguyễn Quốc Đống lên thẳng Cao Bằng. Thái hậu được trấn tướng Cao thành là Nguyễn Huy Túc phụng dưỡng rất tử tế và để ở tạm tại Mục Mã trấn.


Không may vài tháng sau chợt có quân Tây Sơn kéo đến, Nguyễn Huy Túc cùng với phiên mục là Hoàng Ích Hiểu dùng thuyền buôn đưa Quốc mẫu đến Thủy khẩu quan và ngụ tạm ở Phất Mê thôn. Mồng chín tháng Năm quân Tây Sơn theo dõi, đuổi kịp Hoàng Ích Hiểu và Lê Quýnh, quân ít, thế không thể chống được, phải đưa Quốc mẫu xuống thuyền chạy ra ẩn tại một cái đảo nhỏ ở giữa sông. Quân Tây Sơn liền bổ vây trên bờ sống mà phía bên kia thì quân Tầu giữ không cho lên. Tiến thoái đều không có đường, tình thế cực kỳ nguy ngập. Chợt mây kéo tối rầm, rồi trời đổ mưa như thác chảy, bọn Nguyễn Huy Túc liền thừa cơ đưa Quốc mẫu ghé vào bờ, rồi theo đường nhỏ ở giữa những khe núi mà trốn vào hang núi. Lúc ấy đi theo Quốc mẫu có bảy người. Hôm sau chừng năm, sáu mươi người nữa lục tục kéo đến.


Quốc mẫu tuy thoát khỏi quân Tây Sơn, nhưng lại gặp một cái nạn mới là không có lương ăn. Túng thế, bọn tùy tùng phải lên núi hái một thứ lúa gọi là Chúc ngọc mễ cho Quốc mẫu dùng tạm, còn mọi người thì đi đào lấy một thứ rễ cây gọi là túy bồ căn mà dùng cho đỡ đói.


Nguyễn Huy Túc cùng với một vài bộ hạ lẻn đến Long Châu, tình cơ bắt gặp một người Tầu quen biết từ trước, xưng tên là Tiêu Ẩn ở núi Ngô Sơn.


Tiêu Ẩn nguyên là bạn của viên cố Đốc trấn Cao Bằng là Nguyễn Đình Tố. Sau khi Tố mất, Tiêu Ẩn đến thăm Nguyễn Huy Túc được Túc rất trọng đãi và lưu ở trong nhà đến mười ngày.
Hôm cáo biệt, người Tầu đó hỏi Túc:




- Nước ông sau này sẽ lắm việc. Quan Đốc trấn biết trước cả. Không hiểu khi ngài gần mất có dặn bảo gì các ông không?


- Nước tôi có giặc Tây Sơn hoành hành ở phía Nam, ai cũng biết cơ là không thể yên được. Nhưng sau này kết cục thế nào không ai dám đoán trước. Quan Đốc trấn với tôi vẫn lấy điều ấy làm lo lắm. Bây giờ tôi làm quan ngoài, việc triều đình không được dự đến. Dù có biết trước cũng không làm trò gì được.


- Bởi làm quan ngoài cho nên lại càng cần phải đảm đang việc nước. Một người có tài như ông há lại chẳng làm được một phen kinh thiên động địa hay sao? Nhưng chẳng qua cũng chỉ đến như một giấc ngủ mê mà thôi. Đó là số trời với vận người thâu hợp với nhau, thật đáng buồn cười mà cũng đáng tiếc.


Túc hỏi gặng là ý thế nào, Tiên Ẩn không chịu nói. Bây giờ chợt gặp, Túc liền mang những việc vừa xảy ra ở nước thuật cho người Tầu đó nghe và nói:
- Sự cơ hiện đã nguy cấp lắm. Xin ông tính kế giúp cho.


- Khi ông ở trấn, nghe biến sao không cùng với quan Đốc trấn Lạng Sơn kết hợp với tướng sĩ ở ngoài biên lại, hùng cứ một phương mà chống nhau với giặc? Rồi đưa thư sang phủ Long Bằng hẹn nguy cấp thì cứu lẫn nhau, có phải là vạn toàn không? Nhà Mạc ngày xưa dùng kế ấy duy trì được sáu mươi năm. Bây giờ nếu dùng kế ấy, ít ra cũng giữ được trọn đời. Dịp tốt đã bỏ lỡ mất rồi, nay chỉ còn một cách là nhờ qfuan Tri phủ Long Bằng đề đạt lên quan Tổng đốc, xin triều đình phát quân cứu viện. May có cơ khôi phục được. Như khi việc đã thành rồi, ông nên gắng mà làm, đừng để tiếng cười về sau.


Túc mừng rỡ:
- Cảm ơn ông có bụng nghĩ xa cho tôi, tôi ghi lòng không dám quên. Bây giờ tôi mang Quốc mẫu lại đây ý cũng muốn thế. Nhưng không biết mượn ai đề đạt cho được. Nếu ông giúp cho thì thật may lắm.
- Tôi đã quen biết ông, dám đâu chẳng cố sức.


Tiêu Ẩn lập tức đưa Nguyễn Huy Túc đến yết kiến viên Đô tư Long Bằng là Trần Tùng tự là Hồng Thuận và nói giúp:
- Mẹ con họ mạc của Tự quân nước Việt Nam bị giặc đuổi đánh, hiện trốn vào cửa ải, xin cứu hộ giúp cho.


Hồng Thuận thương tình liền họp Trần Thốt và trấn tướng là Hoàng Thành Phụng ra tận núi Đẩu Ao đưa Thái hậu, Hoàng Ích Hiểu, Lê Quýnh tất cả 62 người về cho ở trên ải, rồi đạt giấy cho viên Tả giang đạo Quảng Tây là Thăng Hùng Nghiệp, nhờ bẩm lên quan Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị. Viên Tri phủ Long Bằng là Lục Hữu Nhân đệ theo cả lá đơn của Nguyễn Huy Túc trong có câu: “Quốc thành bị giặc phá, quốc tang còn quàn chưa chôn, Tự tôn phải chạy trốn không được lập, các quan bị giặc làm hại, nhân dân bị giặc cướp bóc. Cả nước thề không cùng với giặc cùng sống nên kẻ thức giả náu nương ở trong núi, kết thành bè đảng, nhưng vẫn linh tinh chưa làm gì được, là vì thiếu người chủ trương. Nếu được Thiên triều phát binh cứu viện thì mọi nơi nhất tề củ hợp[12], quốc thanh sẽ lấy lại dễ như trở bàn tay.”


Sĩ Nghị thấy việc dễ dãi quá, bàn với các quan.


- Nước Nam xưa kia vẫn là nội thuộc. Từ đời nhà Tống, Đinh Tiên Hoàng quật cường lên mới đổi làm cống thần. Từ đấy, hết đời ấy sang đời khác, nối đời nhau mãi. Nay lại không giữ được nước, hoặc giả lòng trời lại muốn đổi làm quận huyện cho Trung Quốc ta chăng?


Nghị thân đến Long Bằng khám xét và hợp bàn với chứ Tuần phủ Quảng Tây là Tôn Vĩnh Thành. Thành nói:


- Gây ra cuộc xung đột ở ngoài biên là việc lớn, quan hệ ắt không vừa. Nếu lời Vua tôi nhà Lê là thực thì kể cũng đáng thương. Song ta cũng phải liệu xem thế giặc ra sao đã. Quân Tây Sơn tôi chắc không phải quân tầm thường. Chúng nổi lên ở bãi bể từ lâu, việc chinh chiến đã quen. Chúng đánh có một trận mà chinh phục nổi một nước đã có từ ba trăm năm, hẳn không phải là quân nhút nhát nào. Chẳng phải ta cứ dậm dọa mà làm cho chúng sợ được. Nước ta đã hai trăm năm nay yên hưởng thái bình, dân không biết binh đao là gì cả. Nhất đán đem họ vào nơi lam chướng, đánh được giặc cũng chẳng giỏi gì, vạn nhất thua ra thì thật thương tổn lớn đến danh dự của Trung Quốc. Tướng công đứng vào bực đại thần, chức phận phải giữ gìn bờ cõi, không nên nghe người ngoài ton hót mà gây ra việc binh nhung. Cái gương Hoàng Phúc, Trương Phụ hãy còn sờ sờ ra đó, xin tướng công nghĩ kỹ.


Sĩ Nghị có ý không bằng lòng:


- Nước Nam đời đời chịu phong và vẫn giữ việc chức cống Thiên triều. Nay người ta bị Tây Sơn là đám giặc nhỏ uy hϊế͙p͙ cả nước, không lẽ ta lại không cứu hay sao? Vả mình vì nghĩa mà cử binh đi thì ai chẳng muốn theo. Nếu ta ngại xa xôi mà không giúp họ thì các nước man di triều cống Trung Quốc, phỏng còn hy vọng được điều gì nữa?


Nói rồi Sĩ Nghị gọi cho bọn Nguyễn Huy Túc, Lê Quýnh, Nguyễn Quốc Đổng, Nguyễn Đình Quán, Hoàng Ích Hiểu, Nguyễn Đình Mai tất cả sáu người đến cửa quan mà hỏi rõ về tình hình nước Nam.
Sĩ Nghị:
- Anh em Tự tôn mấy người? Hiện bây giờ trốn ở đâu?
Huy Túc:


- Tự tôn chúng tôi anh em ba người, ở với nhau rất thỏa thuận. Đích tôn Duy Kỳ hiện chạy xuống miền Sơn Nam, chiêu mộ nghĩa binh. Hai em là Duy Tụ và Duy Chỉ thì ở Tuyên Quang, Hưng Hóa hội họp đồng chí để làm thanh viện.
- Mẹ Tự tôn gần đây tin tức thế nào?


- Quốc mẫu tôi chạy sang đây. Mẹ con xa cách, cần phải báo cho Tự tôn tôi biết, vậy xin cho ba người về! Nguyễn Đình Mai đi đường núi qua huyện Mông Tự; Lê Quýnh và Nguyễn Quốc Đổng thì đi đường bể, qua cửa Long Môn. Đại nhân cho đưa ba người ấy ra đến biên giới. Tới đất nước chúng tôi rồi, chúng tôi sẽ đi gấp, chỉ trong một tháng thì tới nơi.


Nghị lại hỏi:
- Nước Nam lâu nay mùa màng thế nào?
- Nước tôi luôn mấy năm mất mùa, thóc gạo đắt đỏ. Vùng Sơn Nam tiếng rằng giàu có, nhưng dân hiện cũng sánh kiệt cả. Tự tôn tôi vì thiếu lương thực nên không làm gì được. Tình thực như thế, xin khai để đại nhân biết.


Sĩ Nghị lại hỏi Lê Quýnh về tình hình quân sự, Quýnh thưa:


- Nhà Lê tôi kế tiếp làm Vua đã hơn ba trăm năm nay, dùng ân huệ để cố kết lòng người, lấy lễ nghĩa mà phù dục khí tiết, tuy có kẻ bạn nghịch, nhưng lòng người vẫn quyến luyến. Không may bị họ Trịnh chuyên quyền áp chế nhà Vua , lòng người ai cũng oán ghét. Giặc Tây Sơn nhân đó nổi lên, giả danh là diệt Trịnh phù Lê nên không ai chống lại. Anh em Nguyễn Huệ không hiểu thế, càng ngày càng kiêu căng, chúng tự đặt niên hiệu, chiếm giữ quốc thành, làm cho Tự tôn phải trốn tránh ra ngoài. Dân nước oán giận Tây Sơn đến cốt tủy, đồng thời nổi lên, noi theo mục đích phù Lê, tuy không hẹn nhau mà muôn người một bụng. Nếu Thiên triều rủ lòng thương, cho quân sang giúp thì người trong nước sẽ nô nức cất quân phục thù, tưởng không phải nhọc gì đến đại binh cả.


Sĩ Nghị mừng thầm, đem địa đồ nước Nam ra bảo Lê Quýnh xem xét lại và được tùy ý sửa chữa những chỗ sai lầm. Tiếp, lại gọi Huy Túc đến bảo:


- Đợi ta tâu lên, nếu Hoàng đế chuẩn cho thì mọi việc sẽ thực hành đúng như lời các anh xin và có thể sẽ thành công được. Song trước hết các anh hãy về nước dò xem Tự tôn ở đâu, giặc cử động thế nào, lòng người trong nước ra sao, phi báo cho ta để ta định liệu.


Bọn Huy Túc mừng rỡ, cùng quay về phía Bắc, lậy vọng và hô “Vạn tuế!”
Ngay hôm đó, Sĩ Nghị sai Thang Hùng Nghiệp hộ tống Lê Thái hậu về Nam Ninh trú tạm và cấp lương cho ăn rất tử tế.
Sĩ Nghị lại thảo biểu dâng lên Vua Càn Long đại ý nói:


“Tôi trộm nghĩ cống thần nhà Lê là Tự tôn Duy Kỳ theo lệ đáng được thừa lập, chẳng may nước bị tàn phá, mẹ và vợ con chạy đến cửa quan, hết sức kêu cầu, thực nên ái ngại. Thong thả tôi xét rõ tin tức, rồi sẽ định việc cho ở hoặc về. Nhưng lại nghĩ bọn này đã đến bờ sông, gần ngay địa phận quốc triều, quân giặc trông rõ quân nhà Vua mà con đang tay chém giết không kiêng gì cả thì quyết là không dung cho chúng được. Hiện tôi đã mật sai đề thần là Tam Đức sắp sẵn khí giới, đóng các cửa ải. Nếu giặc sang sông sẽ phải đánh giết để chúng biết e sợ uy trời. Tôi lại sức cho các hạt Long Châu và Trào Châu phải xem xét tình hình nếu có việc gì xin sẽ xin tâu tiếp.”


Đọc biểu của Tôn Sĩ Nghị xong, Vua Càn Long quay lại bảo với các thần:


- Lê Duy Kỳ ở Việt Nam tuy chưa được phong, nhưng theo lệ thì đáng được kế lập, như vậy cũng tức như đã được làm Vua rồi. Nay mẹ và vợ phải chạy sang đây thì nước dầu cũng coi như mất. Ta cho quân sang cứu, chính là phù giúp cho kẻ suy yếu, việc rất nên làm. Vả Duy Kỳ còn ở trong cõi lo việc khôi phục và được dân nước yêu mến thì việc cũng có cớ thành công được.


Nhà Vua ưng chuẩn việc cất quân sang đánh Tây Sơn, nhưng không muốn làm tổn hơi sức của quân Tầu, nghĩa là ngồi mát mà hưởng sự chiến thắng nên trong dụ ban xuống cho Tôn Sĩ Nghị có câu:


“… Tự tôn tuy chạy trốn, nhưng được thần dân yêu mến, vậy chỉ nên làm thanh viện cho họ thôi, còn mọi việc để mặc cho tự họ mưu lấy, không phải đem quân đánh hộ, tốn sức cho quân mình. Nhà ngươi là người mẫn đại, phải suy xét cho kỹ và tuân theo chiếu chỉ.”
***


Lê Duy Đản và Trần Danh Án nằm chờ ở phủ Thái Bình thấm thoắt đã mấy tháng trời. Một hôm chợt có lệnh của Vương phân phủ đòi vào bảo:


- Việc các ngươi xin cứu viện đã tâu lên rồi, Hoàng đế nghĩ tình nhà Lê vẫn đời đời triều cống nên đã sai quan Tổng đốc Lương Quảng hiệp với quân Tổng đốc Vân Quý mang quân sang đưa Tự tôn về nước. Việc này đã định từ trước, vì có Quốc mẫu các ngươi và Trấn mục Cao Bằng là Nguyễn Huy Túc sang kêu. Vì mẹ con cách trở, Tự tôn không biết nên mới sai các ngươi lại đây. Tình hình Tự tôn thế nào, các anh nên thảo thành cáo trạng, chờ khi đại quân qua đây ta sẽ đưa các người đến yết kiến quan Đốc bộ.


Hai người mừng rỡ, xin một người ở lại, một người về trước báo tin cho Tự tôn được biết để củ hợp đồng chí mà mộ quân ứng nghĩa.


Vương phân phủ ưng thuận, Lê Duy Đản liền để Trần Danh Án ở lại, còn chính mình thì quay về. Đản vừa tìm đến chỗ Vua Chiêu Thống ở để phục mệnh thì cũng vừa gặp Lê Quýnh ở Long Châu về.
Nhà Vua cả mừng, ngửa mặt lên trời nói:


- Ta đã ít tuổi, lại không may sinh phải lúc nước nhà lắm nạn. Nhờ ơn liệt thánh và và Tầu, nước ta khôi phục được, chính là ở lúc này.
Lập tức, nhà Vua sai thảo biểu tạ ơn Vua Tầu và đạt giấy cho các đạo cất quân cùng tiến.
__
[12] Tụ tập lại làm một điều gì đó.






Truyện liên quan